Liệu nước này có trở thành đối thủ của VN tại thị trường tiêu thụ sầu riêng chính Trung Quốc hay không là câu hỏi đặt ra với nhiều người.
Giá sầu riêng cao ngất
Ngày 3.10,ầuriêngVNngánđốithủnàkymco 50cc nhiều công ty, đơn vị thu mua sầu riêng vẫn đang tích cực săn lùng chủ vườn để chào mời, thu mua với giá cao. Hiện nay sầu riêng chỉ có khu vực Tây nguyên là đang cho thu hoạch, do đó các chủ vườn ở Đắk Lắk, Gia Lai không bị cạnh tranh bởi nguồn hàng từ nơi khác. Sầu riêng giống Dona - Monthong loại 1 được chào mua lên đến 89.000 đồng/kg, thương lái còn thu mua tận nơi, giao tiền tươi và "bắt hàng dễ".
Theo UBND H.Krông Búk (Đắk Lắk), trên địa bàn huyện đã được cấp 9 mã số vùng trồng sầu riêng, với tổng diện tích là 147,73 ha. Giá thu mua từ đầu vụ đến nay dao động từ 70.000 - 85.000 đồng/kg. Bà Phạm Thị Lan, đại diện HTX Nông nghiệp dịch vụ Ea Sin, cho biết: "Năm nay sầu riêng được mùa, được giá nên các thành viên rất phấn khởi, mong muốn mở rộng mã vùng trồng. HTX đã thu hoạch và bán được 50% sản lượng trong tổng số gần 100 ha sầu riêng với mức giá khá cao. Hiện nay HTX đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã vùng trồng cho toàn bộ số diện tích sầu riêng hiện có".
Tại H.Krông Pắk, thủ phủ sầu riêng của Đắk Lắk, diện tích sầu riêng cho thu hoạch hơn 3.000 ha, sản lượng khoảng 60.000 tấn. Năm nay, hoạt động mua bán sầu riêng sôi nổi, tấp nập hơn các năm trước. Nhiều thương lái, doanh nghiệp (DN) đến địa bàn thu mua nên mức độ cạnh tranh cao. Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, thông tin đến nay khoảng 70% sản lượng sầu riêng của tỉnh đã được thu hoạch, với giá và sản lượng cao nhất từ trước đến nay.
Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11.7.2022, giá loại trái này luôn duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn. Tại vùng ĐBSCL, giá sầu riêng sau Tết Nguyên đán năm 2023, có khi tăng lên hơn 200.000 đồng/kg.
Đến hết quý 3 năm nay, xuất khẩu toàn ngành rau quả thu về hơn 4,2 tỉ USD, cao hơn 25% so với tổng kim ngạch của cả năm trước trong đó sầu riêng giữ vị trí đầu bảng. Dự báo, trong tháng 10, sầu riêng sẽ cán đích kim ngạch 1,5 tỉ USD.
Không sợ đối thủ, chỉ sợ chính mình
Là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỉ USD để nhập khẩu loại trái cây có mùi hương đặc biệt này. Trước khi có sự xuất hiện của VN, sầu riêng Thái Lan chiếm lĩnh thị trường tỉ dân này và thu về vài tỉ USD mỗi năm. Thế nhưng, hiện nay VN đang gia tăng kim ngạch xuất khẩu và cuộc đua sầu riêng còn có thêm sự góp mặt của Philippines.
Từ ngày 4.1.2023, khi Trung Quốc cũng cho phép sầu riêng Philippines xuất sang nước này. Philippines cũng đã đưa ra mục tiêu xuất khẩu 54.000 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc trong năm 2023 và hy vọng kim ngạch năm nay sẽ đạt 150 triệu USD. Bộ Nông nghiệp Philippines đặt rất nhiều kỳ vọng vào trái sầu riêng như một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này trong tương lai. Như vậy, một cuộc cạnh tranh được dự báo sẽ hết sức căng thẳng tại thị trường tỉ dân với sự có mặt của các nước trong khu vực ASEAN.
Trao đổi về thị trường sầu riêng Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Sầu riêng VN đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu riêng Thái và Philippines. Sản lượng sầu riêng của VN hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa. Quãng đường vận chuyển từ VN sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng Việt tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ. Việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt của Thái Lan chắc chắn sẽ không thể so với thời gian vận chuyển bằng đường bộ của VN. Hiện khâu vận chuyển của Thái Lan chậm hơn của VN vài ngày".
Đối với nguồn cung từ Philippines, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định mục tiêu đạt 150 triệu USD kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc năm 2023 của Philippines là con số khiêm tốn so với kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của VN.
"Trung Quốc chấp nhận xuất khẩu chính ngạch sầu riêng của Philippines chỉ là đa dạng hóa thêm nguồn cung thị trường chứ không phải là mối đe dọa quá lớn cho trái sầu riêng Việt tại Trung Quốc", ông Nguyên khẳng định.
Nói về tiềm năng xuất khẩu của trái sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết: Thị trường xuất khẩu sầu riêng của VN rất đa dạng, ngoài Trung Quốc chiếm khoảng 90% sản lượng sầu riêng tươi thì chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với Ấn Độ để có thể mở cửa thị trường sầu riêng sang đây từ năm 2024.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định trái sầu riêng VN có rất nhiều dư địa thị trường để phát triển. Đối thủ lớn nhất của VN chính là… các DN nội địa. Vì sự cạnh tranh không ít DN tự phá giá, kinh doanh gian lận khiến ngành sản xuất sầu riêng trong nước gặp khó khăn. Cùng quan điểm này, bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu, lo lắng: "Chúng ta mất rất nhiều năm mới có thể xuất khẩu chính ngạch được sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Thay vì làm hàng đạt chuẩn xuất khẩu để chiếm thị phần, nay có nhiều người lại chạy theo lợi nhuận, thu mua ồ ạt cả hàng kém chất lượng, sầu non, và có hiện tượng gian lận mã số vùng trồng, như vậy chẳng khác nào tự mình hại mình".
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN cũng chia sẻ: "Chúng ta có thể tự tin vào chất lượng sầu riêng VN cạnh tranh với các nước sản xuất khác, nhưng cách làm hiện nay đang cần phải chuẩn chỉnh hơn nữa. Hiện nay Trung Quốc quản lý nông sản nhập khẩu rất chặt chẽ và ngày càng khó tính hơn, nếu VN còn tồn tại vấn đề gian lận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, chất lượng hàng xuất khẩu... thì sẽ khó mở rộng được thị phần tại thị trường Trung Quốc vì các đối thủ cạnh tranh của sầu riêng VN ngày càng mạnh hơn".
Theo Hiệp hội Rau quả VN, những tháng còn lại của năm nay còn sản lượng sầu riêng ở Tây nguyên, cộng thêm những mặt hàng và những thị trường mới mở khác, dự đoán cả năm 2023 xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5 tỉ USD, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra vào năm 2025.